18/03/2019
Lượt xem: 600
Hệ thống Lahay - Phương tiện hỗ trợ đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp
Việt Nam gia nhập vào Thỏa ước Lahay
không những giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại
nhiều nước trên thế giới , mà còn hỗ trợ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế
giới.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và
toàn cầu hóa hiện nay, thì sở hữu trí tuệ là chìa khóa đem lại vị thế độc quyền
cho các doanh nghiệp. Kiểu dáng công nghiệp (KDCN) là một trong những đối tượng
của sở hữu trí tuệ, giúp cho doanh nghiệp dễ dàng chiếm lĩnh thị trường bằng
cách nhận diện sản phẩm. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam dần trở thành điểm
đến của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời các doanh nghiệp
Việt đã gia tăng tiếp cận thị trường trong khu vực cũng như trên thế giới. Nên
việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), trong đó có KDCN trở thành
nhu cầu cần thiết đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự bảo vệ về
mặt pháp lý đó, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm
trên thị trường.
Trước đây, để có thể độc quyền
kiểu dáng sản phẩm của mình, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký tại những nơi
mà doanh nghiệp cần có sự bảo hộ độc quyền, nghĩa là phải tuân thủ nguyên tắc
của Công ước Paris, nên doanh nghiệp muốn đăng ký ra nước ngoài thì nộp trực
tiếp đơn đăng ký cho các cơ quan sở hữu trí tuệ của quốc gia đó và tuân thủ các
nguyên tắc, quy định pháp luật riêng của quốc gia. Chính vì thế, doanh nghiệp
sẽ rất khó khăn, tốn kém chi phí và mất nhiều thời gian nếu đăng ký ở nhiều
nước. Chính vì những khó khăn về mặt thủ tục và chi phí làm cho lượng đơn đăng
ký bảo hộ KDCN của người nước ngoài tại Việt Nam cũng như của người Việt Nam ra
nước ngoài chỉ ở mức hạn chế.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho
người nộp đơn khi đăng ký bảo hộ tại nhiều thị trường khác nhau thì một trong
những chính sách có thể kể đến là việc tham gia điều ước quốc tế với nội dung
đơn giản hoá thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là Thỏa ước Lahay về
đăng ký quốc tế đối với KDCN, hiện do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)
quản lý.
Với ưu điểm của Hệ thống Lahay,
cho phép chủ sở hữu KDCN đăng ký bảo hộ cho các kiểu dáng của mình với hình
thức đơn giản nhất; tiết kiệm chi phí thanh toán một nhóm duy nhất chỉ bằng một
loại tiền tệ và hiệu quả trong hỗ trợ việc quản lý sau đăng ký như: gia hạn
hiệu lực, chuyển giao quyền sở hữu, thay đổi tên, địa chỉ của chủ sở hữu thông
qua một thủ tục đơn giản. Ngoài ra, chủ sở hữu còn có nhiều cơ hội tập trung
vào các thị trường quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Việt Nam hiện nay đang tham gia
rất nhiều hiệp định thương mại tự do, nên cũng sẽ cam kết tham gia các điều ước
quốc tế cần thiết - trong đó có Thỏa ước Lahay. Việc tham gia vào Hệ thống này
sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký ra nước ngoài một
cách dễ dàng, đồng thời các doanh nghiệp nước ngoài có thể sử dụng Hệ thống này
để đăng ký tại Việt Nam.
Hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ đang
hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ phê chuẩn việc gia nhập Thỏa ước Lahay về
đăng ký quốc tế KDCN. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đăng ký bảo hộ đối
tượng này ở 68 nước trên thế giới.
(Thông tin tổng hợp từ nguồn: https://sohuutritue.net.vn/; http://khampha.vn/)
Văn phòng Sở KH&CN (Trúc Phương)